TRANG CHỦ / TIN TỨC SỰ KIỆN

Xu hướng xanh là xu hướng của các khu bất động sản nghỉ dưỡng

Môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể, hữu cơ, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau giữa đất, nước không khí và cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Sự rối loạn bất ổn định ở khâu nào đó trong hệ thống sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng. Con người và xã hội xuất thân từ tự nhiên, là một bộ phận của thiên nhiên. Thông qua quá trình lao động, con người khai thác, bảo vệ bồi đắp cho thiên nhiên, nhưng qua quá trình đó, con người xã hội dần dần có sự đối lập, hủy hoại môi trường sống tự nhiên của mình.

 

Du lịch xanh

Ảnh theo tạp chí du lịch

Cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm xanh cần đạt các tiêu chí sau: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. Như vậy, tất cả các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt (thực hiện) được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tính chất tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.

Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của điểm đến du lịch bên cạnh một số yếu tố khác như mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra, vào phương tiện); hình ảnh, thông tin về điểm đến.

Sự phát triển du lịch xanh ở Việt Nam những năm qua

Ảnh theo VOVTV

Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa – nhân văn rất phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.

Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để, việc phát triển du lịch làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, đã làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.

Định hướng và giải pháp phát triển du lịch xanh thời gian tới

Ảnh theo tạp chí môi trường

Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.

Những chương trình này cần được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu cơ bản có định hướng về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc thù, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác giá trị di sản thế giới gắn với các văn hóa bản địa; các giá trị văn hóa truyền thống của các vùng, miền, các làng quê Việt Nam và gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, nhà nước cần có chính sách khuyến khích tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong các dịch vụ du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên, chế biến rác thải, xử lý nước thải, giảm thiểu tiêu hao xăng, dầu trong giao thông, trong tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm… hoặc khuyến khích các chương trình bảo tồn và truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch.

Mặc dù có tiềm năng phát triển, song du lịch xanh ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu. Đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, du lịch xanh còn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ cho mục đích du lịch. Do đó, nâng cao nhận thức, có chiến lược, có giải pháp đúng đắn để phát triển du lịch xanh là điều có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng.

Phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội và cũng là thách thức, là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

-Sưu tầm-

Bigsky logo