BIM viết tắt của từ Building Information Modeling
Như vậy câu trả lời cho BIM là gì không thể chỉ hiểu là những phần mềm như Revit, Tekla, Navisworks…mà đó là cả một quy trình hoàn thiện. Từ giai đoạn tạo dựng mô hình 3D cho đến việc dùng mô hình đó trong giai đoạn thiết kế (hồ sơ bản vẽ), thi công (quản lý khối lượng, lập biện pháp, an toàn lao động…) và quản lý tòa nhà (bảo trì các thiết bị cơ điện nước), xuyên suốt vòng đời của công trình.
Tại sao chúng ta phải dùng BIM ?
Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật xây dựng hạ tầng tích hợp thuộc trường đại học Stanford (Stanford University Center for Integrated Facilities Engineering, viết tắt là CIFE), một đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và áp dụng BIM tại Mỹ, đã tổng kết hàng năm để theo dõi việc áp dụng BIM của các công ty cũng như tại các dự án đầu tư xây dựng. Báo cáo tổng hợp số liệu dựa trên 32 dự án có sử dụng BIM của CIFE đã định lượng lợi ích mang lại qua một số chỉ tiêu như:
- Giảm bớt 40% các yêu cầu thay đổi;
- Sai lệch của quyết toán với dự toán chỉ là +/- 3%;
- Giảm 80% thời gian lập dự toán;
- Tiết kiệm về chi phí lên đến 10%;
- Giảm 7% tiến độ.
BIM áp dụng cho giai đoạn nào của dự án xây dựng ?
Câu trả lời là BIM được áp dụng từ giai đoạn hình thành ý tưởng, thiết kế, thi công, vận hành công trình. Tất cả các bên tham gia đều dùng chung một mô hình thông tin công trình BIM. BIM có thể áp dụng cho cho chủ đầu tư (Owners); quản lý cơ sở hạ tầng (Facility Managements); cho thiết kế kiến trúc(Architects); cho thiết kế kết cấu (Structural Engineers), cho nhà thầu (Contractors); cho nhà thầu phụ (Subcontractors) và xưởng chế tạo (Fabricators).