Năng lượng xanh là gì?
Năng lượng xanh là những nguồn năng lượng có nguồn gốc từ tự nhiên, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, gió hoặc nước. Đây là các nguồn năng lượng có thể tái tạo và không lo cạn kiệt. Do đó, chúng đang dần được thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần bị cạn kiệt trong tương lai.
Có những nguồn năng lượng xanh nào?
Năng lượng xanh đến từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, gió và mặt trời. Chúng cung cấp năng lượng để biến đổi thành điện năng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người. Dưới đây là những nguồn năng lượng xanh phổ biến và cách thức tạo ra điện của chúng.
Năng lượng mặt trời
Đây là nguồn năng lượng xanh dồi dào nhất trên trái đất. Chúng thường được khai thác dưới dạng nhiệt năng và quang năng. Trong lĩnh vực sản xuất điện, năng lượng mặt trời thường được sử dụng ở dạng quang năng. Các tấm pin mặt trời chứa các tế bào quang điện sẽ thực hiện chức năng hấp thu năng lượng và chuyển hóa thành điện năng.
Hiện nay, năng lượng mặt trời ngày càng dễ tiếp cận, giúp nhiều người có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mặt trời miễn phí. Các cá nhân, hộ gia đình hoặc các công ty, xí nghiệp có thể lắp điện năng lượng mặt trời cho nhà ở hoặc văn phòng để tiết kiệm điện năng, giảm chi phí tiền điện và góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Năng lượng gió
Các hệ thống điện gió thường được lắp ở các khu vực gần biển hoặc những nơi có độ cao lớn. Khi đó, gió sẽ làm quay cánh quạt tuabin, từ đó tạo ra động năng làm quay máy phát điện và sản xuất ra điện. So với nguồn năng lượng mặt trời thì năng lượng gió bị hạn chế ở nhiều khu vực, không thể lắp ở các khu dân cư đông đúc hoặc những nơi đón lượng gió ít.
Thủy điện
Loại năng lượng xanh này sử dụng dòng nước trong sông, suối, đập hoặc các nơi khác để sản xuất điện. Dòng chảy của nước sẽ làm quay tuabin và kích hoạt máy phát điện. Do có tính hiệu quả cao nên hiện nay thủy điện là một trong những dạng năng lượng xanh phổ biến nhất tại Việt Nam.
Sinh khối
Năng lượng có thể được tạo ra từ chất thải gỗ, mùn cưa hoặc các chất thải nông nghiệp hữu cơ dễ cháy. Mặc dù việc đốt cháy các vật liệu này vẫn tạo ra khí nhà kính nhưng chúng tạo ra lượng khí thải thấp hơn nhiều so với việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ.
Địa nhiệt
Là loại năng lượng dạng nhiệt nằm bên dưới lớp vỏ trái đất. Để khai thác năng lượng địa nhiệt từ hơi nước và nước nóng, con người sẽ đào những chiếc giếng sâu hàng km, sau đó đưa nước xuống vùng có nhiệt độ khoảng 2000 độ C. Khi đó, nước sẽ sôi và bốc hơi lên làm chạy máy phát điện.
Lợi ích của năng lượng xanh
Năng lượng xanh mang đến nhiều lợi ích quan trọng cho cuộc sống của con người, trong đó có thể kể đến những lợi ích sau:
- Hỗ trợ bảo vệ môi trường: Sử dụng các nguồn năng lượng xanh không phát thải ra khí CO2 nên không gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm giảm tình trạng hiệu ứng nhà kính, giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
- Ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người: Việc đốt cháy các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ sinh ra khí nhà kính và tác động làm trái đất nóng lên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống của con người và các loài động vật. Do đó, sử dụng năng lượng xanh sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ sức khỏe con người tốt hơn.
- Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia: Năng lượng xanh được khai thác từ các nguồn tài nguyên tự nhiên có khả năng tái tạo nên không bị cạn kiệt theo thời gian. Điều này giúp làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo cung cấp đủ nguồn năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội của một quốc gia.
- Tiết kiệm chi phí hiệu quả: Với các nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sử dụng các nguồn năng lượng này sẽ giúp chủ đầu tư giảm thiểu chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng, đồng thời gia tăng lợi ích kinh tế sau một thời gian sử dụng (khi đã hoàn vốn).
Xu hướng chuyển đổi xanh tại Việt Nam hiện nay
Trước những thách thức về nguồn cung điện và nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam hiện nay thì việc chuyển dịch sang năng lượng xanh là một giải pháp hết sức cần thiết. Do đó, nhà nước và các cơ quan chính phủ đã có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng điện, gia tăng cơ cấu các nguồn năng lượng xanh để đảm bảo an ninh năng lượng, ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra.
Trong đó, để gia tăng hiệu quả sử dụng điện, các nhà sản xuất đã phát triển công nghệ Inverter và ứng dụng trong các thiết bị điện nhằm tối ưu hóa nguồn điện năng và giảm công suất tiêu thụ. Công nghệ này hiện đang được sử dụng phổ biến trong các ngành điện lạnh như sản xuất tủ lạnh, sản xuất điều hòa…
Ngoài ra, để gia tăng cơ cấu năng lượng xanh, nhà nước đã có những chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Với cơ chế này, chỉ trong vài năm trở lại đây, số lượng các hộ gia đình và các doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời đã gia tăng nhanh chóng. Điều này đóng góp không nhỏ vào xu hướng chuyển đổi xanh ở nước ta hiện nay.
Theo các chuyên gia về năng lượng, Việt Nam hiện là một quốc gia còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Hơn nữa, chi phí để lắp hệ thống điện mặt trời cũng giảm đáng kể trong những năm gần đây. Đây là những điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, doanh nghiệp chuyển hướng sang sử dụng năng lượng xanh, giúp giảm thiểu chi phí tiền điện, chủ động nguồn năng lượng, đồng thời góp phần vào việc phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững.
– Nguồn: Sunemit –