Đi cùng với sự phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, kể cả vật chất lẫn tinh thần. Thế hệ trẻ 4.0 bắt đầu quan tâm đến môi trường sống, không gian sống gần gũi với thiên nhiên. Trong đó, không gian sống xanh, hiện đại đang dần trở thành xu hướng và được nhiều người ưa chuộng.
Hiểu thế nào về không gian sống xanh?
Những năm gần đây, không gian sống xanh đang trở thành một từ khoá “hot” của thế hệ 4.0, trở thành một trong những tiêu chí khi lựa chọn nơi an cư. Đây cũng chính là mục tiêu của nhiều nhà quản lý quy hoạch và kiến trúc sư hiện đại với mong muốn mang lại không gian sống lý tưởng cho con người.
Nhắc đến không gian sống xanh, chúng ta dễ liên tưởng đến những dự án, nhà ở được bố trí nhiều cây xanh hay mật độ mảnh xanh lớn. Tuy nhiên, thực chất một không gian sống xanh sẽ bao gồm nhiều tiêu chí hơn thế. Những tiêu chí điển hình của một không gian sống xanh có thể kể đến như: mức độ hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu, hạn chế những tác hại đối với môi trường, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người…
Nhìn chung, không gian sống xanh có thể hiểu là không gian sống lành mạnh, trong lành. Với các thiết kế thông minh giúp đón gió và tận dụng nguồn sáng tự nhiên như cả thiên nhiên được đưa vào nhà. Đồng thời, tạo ra cảm giác thoải mái, không “tù túng”, ẩm thấp, mang đến không gian sống lý tưởng cho gia đình.
Vì sao không gian sống xanh lại trở thành xu hướng?
Thực tế cho thấy, không gian sống xanh đã được hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hà Lan,… Nhiều người cũng chấp nhận chi trả nhiều hơn để được sống trong không gian xanh, đặc biệt tại các thành phố lớn, mật độ dân cư cao. Nhu cầu này hình thành bởi những ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu… cũng như nhu cầu về chất lượng sống cao hơn khi xã hội phát triển.
Tính đến tháng 4/2019, Việt Nam có 830 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, 19 đô thị loại I, 29 đô thị loại II,… Tỷ lệ đô thị hoá cả nước ước tính đến cuối năm 2019 đạt 40% và có xu hướng sang các thành phố vừa và nhỏ.
Có thể nói, tốc độ đô thị hoá tại nước ta diễn ra mạnh mẽ, điều này đã và đang tác động đến phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng tạo ra nhiều thách thức và hệ luỵ đến môi trường và đời sống con người. Cụ thể là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng ở các thành phố: rác thải, nước thải tăng lên, không khí ô nhiễm hơn. Nhiều đô thị Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu như mưa bão, ngập mặn,…
Song song đó, quá trình bê tông hoá cũng diễn ra nhanh chóng dẫn đến sự sụt giảm của các mảng xanh đô thị. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cây xanh bình quân thấp hơn so với tiêu chuẩn Quốc tế. Trong khi tỷ lệ cây xanh bình quân tại các thành phố lớn của Việt Nam chỉ đạt 2-3m2/người, bằng 1/5 so với thế giới, Singapore đạt 30,3m2/người, Paris đạt 25m2/người. Không những vậy, mật độ cây xanh thấp chính là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí ở các thành phố lớn bị ảnh hưởng. Khí thải sản xuất, bụi mịn trở thành tác nhân gây ra các bệnh về hô hấp, da ở người và các loài động vật khác.
Chính vì thế, nhiều người có xu hướng di chuyển ra vùng ven, khu ngoại ô nơi không khí trong lành. Mặt khác vẫn có lượng lớn người có nhu cầu sống trong nội đô và cải thiện không gian sống xanh – sạch hơn giữa lòng thành phố. Đó cũng cũng chính là lý do nhiều dự án, khu dân cư phát triển xanh và thân thiện với môi trường được quan tâm hơn cả. Và cũng từ đây, nhu cầu về không gian sống xanh lý tưởng trở thành xu hướng của thế hệ trẻ, thế hệ 4.0 được hình thành và mở rộng.
Không những vậy, trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, con người yêu cầu cao hơn về không gian sống. Ngôi nhà lý tưởng ngày nay không còn đơn thuần là nơi đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt thường ngày, mà còn phải là nơi con người được nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống. Bên cạnh quy chuẩn quy hoạch và xây dựng với mật độ mảng xanh cao, một căn hộ/căn nhà có thiết kế thông minh và tối ưu không gian cũng là chìa khoá tạo nên không gian sống xanh lý tưởng. Các kiến trúc sư hiện đại luôn cố gắng để giảm thiểu các không gian thừa, thiết kế các góc bẫy gió khéo léo kết hợp cùng hướng đón ánh sáng tự nhiên. Điều này giúp chúng ta tận dụng được nguồn năng lượng sạch từ thhiên nhiên, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường bên ngoài. Đồng thời tạo ra không gian sống lành mạnh, thư giãn sau những ngày làm việc đầy căng thẳng.
Song song đó, một không gian sống lý tưởng có tác động tích cực để việc cân bằng cảm xúc của chúng ta, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không gian sống tốt đẹp sẽ giúp con trẻ được phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần cũng như giúp các thành viên trong gia đình gần gũi hơn.
Có thể nói, không gian sống xanh chính là “chìa khoá” để con người nâng cao chất lượng sống, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ và giúp con người có được cuộc sống ý nghĩa.
-Sưu tầm-