TRANG CHỦ / TIN TỨC SỰ KIỆN

7 yếu tố kiến tạo doanh nghiệp kiên cường giữa khủng hoảng

Những rủi ro hàng đầu với doanh nghiệp khi Covid-19 kéo dài

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, và trong hầu hết lĩnh vực. Chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với các hành lang thương mại tạm thời bị gián đoạn và năng lực sản xuất giảm đáng kể.

Theo báo cáo mới nhất của Deloitte Private, những doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, các tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới.

Đối tượng tham gia khảo sát chỉ giới hạn ở cấp giám đốc điều hành của các doanh nghiệp tầm trung, với doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 1 tỷ USD. Hơn 90% trong số này là các doanh nghiệp tư nhân.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private, Deloitte Việt Nam cho biết thêm những rủi ro liên quan đến Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu trong 12 – 36 tháng tới, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy sự quan ngại nhất.

Đại dịch không chỉ làm tăng số lượng những rủi ro các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro này, khiến việc đo lường và quản trị chúng trở nên khó khăn hơn.

7 yếu tố kiến tạo doanh nghiệp kiên cường giữa khủng hoảng

Cụ thể, báo cáo cho biết hai rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong vòng một năm tới là tác động của Covid-19 đến thị trường, đối với nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ; và tác động đến vận hành, bao gồm chuỗi cung ứng, nhân sự, công nghệ thông tin (CNTT), phân phối.

Mặc dù các rủi ro liên quan đến Covid-19 là những vấn đề trọng tâm, báo cáo lưu ý các nhà lãnh đạo cần cẩn thận để không bỏ qua những rủi ro khác. Theo đó, họ sẽ vẫn cần lường trước những thách thức không ngừng trở nên phức tạp như tấn công mạng và gia tăng cạnh tranh trên thị trường.

Các lãnh đạo cũng nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị công ty và tác động của biến đổi khí hậu đối với vận hành của doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý là so với những doanh nghiệp có điểm khả năng phục hồi thấp, những công ty có khả năng phục hồi cao đánh giá rằng các cuộc tấn công mạng, biến đổi khí hậu, sự gián đoạn và rủi ro chính trị mang lại rủi ro cao hơn nhiều.

7 yếu tố tạo nên khả năng phục hồi của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khủng hoảng chung, điều được nhiều người quan tâm là những yếu tố nào giúp tạo nên các tổ chức kiên cường, có khả năng phục hồi cao; hay làm thế nào để các nhà lãnh đạo định vị được tổ chức một cách tốt nhất, để không chỉ xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này, mà còn cả những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Khảo sát của Deloitte Private đã chỉ ra rằng có 7 yếu tố nền tảng tạo nên khả năng phục hồi của tổ chức, theo báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi”.

Thứ nhất là chiến lược, xác định hành trình chuyển đổi và những tham vọng. Thứ hai là tăng trưởng với định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, đổi mới sản phẩm và tăng trưởng doanh thu.

Thứ ba là vận hành, chuyển đổi và hiện đại hóa quy trình vận hành. Thứ tư là công nghệ với đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Thứ năm là lực lượng lao động, chuyển đổi công việc, lao động và nơi làm việc. Thứ sáu là nguồn vốn, tối ưu hóa vốn lưu động, cơ cấu vốn và danh mục đầu tư kinh doanh.

Yếu tố thứ bảy là xã hội, quản trị tài nguyên môi trường và nguồn lực xã hội.

7 yếu tố kiến tạo doanh nghiệp kiên cường giữa khủng hoảng 1

Trong việc hướng tới xây dựng các tổ chức kiên cường có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng tiếp theo tốt hơn, khảo sát chỉ ra nhận định chung rằng, tất cả những yếu tố này đều có tính chất nền tảng.

Ông Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private, Deloitte Việt Nam cho biết, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng, tăng trưởng và công nghệ là hai trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các tổ chức có khả năng phục hồi cao.

Tuy nhiên, họ cũng nhận ra sự cần thiết phải có chiến lược phù hợp với tham vọng, đầu tư vào nhân viên, củng cố tình hình vốn, cũng như quản trị tài nguyên môi trường và nguồn lực xã hội.

Ông Minh cho biết nhiều doanh nghiệp trải qua khủng hoảng đang trở nên kiên cường hơn, khẳng định tầm nhìn và kế hoạch của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đạt được bước tiến trong các hành động của họ nhằm tăng cường khả năng phục hồi, thường có cái nhìn tích cực hơn về triển vọng ngắn hạn, tin tưởng hơn vào tiềm năng dài hạn.

Đây cũng là những doanh nghiệp có nhiều khả năng mở rộng lực lượng lao động hoặc theo đuổi thương vụ mua bán sáp nhập, và tập trung hơn vào ảnh hưởng đến xã hội và môi trường.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Minh cho rằng, các lãnh đạo cần rà soát việc thực thi bảy yếu tố trên, từ đó có thể đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong và sau khủng hoảng.

Tiếp đến, cần tổ chức thảo luận trong doanh nghiệp về các câu hỏi phát triển tư duy, như “gián đoạn trên thị trường tác động ra sao đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp”, “cách thức doanh nghiệp đã và sẽ phản ứng với sự thay đổi sở thích của khách hàng”…

Cuối cùng, lãnh đạo cần thống nhất ưu tiên yếu tố nào phù hợp với đặc thù doanh nghiệp của mình, và tập trung hành động.

“Hành động để biến tất cả những lo lắng và mối quan tâm của doanh nghiệp về sự thất bại trong ngắn hạn hay dài hạn thành nguồn năng lượng tích cực. Năng lượng tích cực này sẽ giúp tăng thêm sức mạnh trong khủng hoảng. Hành động quyết định đến 90% khả năng thành công”, ông Minh nhấn mạnh.

-Theo TheLEADER-

Bigsky logo